Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Những khu rừng trọc ở Việt nam


Tác giả: Stephen Nash

Newyork Times – số ra ngày 01 Apr 2019

Khu vực Châu Á là một khu vực trọng yếu về đa dạng sinh học, tuy nhiên hiện tại các tổ chức bảo tồn địa phương và quốc tế đang phải nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ các loài động vật bị tuyệt chủng.

Trải qua các cuộc chiến đau thương kéo dài với Nhật, Pháp, Trung Quốc và Mỹ trong suốt thế kỉ qua, Việt Nam vẫn là một kho báu thiên nhiên nhiều giá trị. Theo nghiên cứu khoa học, nơi đây là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới. Ở một quốc gia có diện tích chỉ lớn hơn Mexico này có tới 30 Vườn Quốc Gia và có mặt hầu hết các loài động vật mà bạn chỉ thấy ở những vườn bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng như Kenya và Tanzania.

Trong thực tế, có hàng trăm loài thực vật và động vật mới được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỉ qua, và nhiều loài hơn nữa đang được ghi nhận mỗi năm. Saola chẳng hạn, một loài linh dương với khuôn mặt mang vẻ vừa khắc khổ lại vừa dịu dàng trông như thể vừa bước ra khỏi bức tranh ‘Giấc mơ’ của Henri Rousseau [2]. Được biết đến như cái tên kỳ lân cuối cùng vì sự hiếm có của nó, saola là loài động vật sống trên cạn lớn nhất được phát hiện kể từ năm 1937. Một đàn tê giác nhỏ mất tích, nai kêu, và thỏ sọc cũng tìm thấy ở đây. Những khám phá phát hiện còn có thể kể đến loài côn trùng khổng lồ dài 53 cm và nhiều loài chim họ Hoét (một nhóm các loài chim sẻ) ríu rít; hay các loài cá, rắn và ếch đến nay chưa được phát hiện nơi khác hoặc cho rằng đã tuyệt chủng.

Các khu rừng của Việt Nam che chở cho hai chục loài linh trưởng – vượn ( gibbon), khỉ (macaque), culi (lorise) và voọc (langur), chúng thường có nhiều màu sắc khiến loài người trông nó có vẻ trái ngược với họ.

Nhận được một email quảng cáo từ Vườn Quốc Gia Cúc Phương thôi thúc  sự tò mò của tôi: “Một khu rừng cổ có gần 2000 loài thực vật và trong số đó có một số loài động vật quý hiếm đáng kinh ngạc như báo gấm (clouded leopard), voọc mông trắng (Delacour’s langur), cầy hương (Owston’s civet), rái cá (otter), gấu đen châu Á! … cú, sóc bay (flying squirrel), culi, dơi và mèo rừng.”

Nhưng khi cố gắng sắp xếp để tới đây, người hướng dẫn viên du lịch cá nhân mà vợ và tôi đã liên lạc lại tỏ ra do dự một cách kì lạ về các khu vực tự nhiên và động vật hoang dã, và họ cố  vẽ đường đưa chúng tôi trở lại những nơi du lịch đơn thuần hoặc đến các thành phố. Rồi sau đó là email: “ Các bạn đã từng đến Việt Nam trước đây hay biết tình hình ở các khu vực tự nhiên và động vật hoang dã đó chưa? Nó khá tàn khốc nếu bạn không biết.”

Tàn khốc cho động vật hoang dã?

“Rất tàn khốc. Ở Việt Nam, các Vườn Quốc gia giờ chỉ là cái tên, hoạt động săn bắt trong rừng cấm thường xuyên xảy ra (thường là bởi chính các kiểm lâm viên – người bảo vệ rừng) và thậm chí là tệ hơn, họ còn làm thịt luôn cả những động vật hoang dã quý hiếm.”

Chúng tôi có những cuộc gọi tới các nhà bảo tồn đang sống và làm việc tại Việt Nam. Thông tin từ họ dường như đã chỉ ra những mâu thuẫn. Đúng, đất ước này là tâm điểm của sự đa dạng giống loài các động vật hoang dã. Nhưng, du lịch sinh thái không được chú ý và Việt Nam đã trở thành một trung tâm của thế giới về các vụ án hình sự về buôn bán động vật hoang dã.

Các quần thể động vật hoang dã, không chỉ bị bao vây bởi sự huỷ hoại môi trường sống gây ra do bùng nổ dân số, mà còn bị săn bắn, bẫy và bắt sống “hiệu quả” tới nỗi các Vườn Quốc Gia và những khu vực tự nhiên khác hiện đang đối mặt với hội chứng “rừng trọc”. Rừng có môi trường sống vô cùng thích hợp nhưng các loài động vật cư trú trong nó lại đi từ cạn kiệt tới tuyệt chủng. Thậm chí người ta thường nói với nhau rằng rất nhiều loài mới đã biến mất trước khi khoa học có thể khám phá ra chúng. Những nước châu Á khác cũng đang trong những giai đoạn khác nhau của hội chứng này.

Sự suy thoái rừng ở Việt Nam còn đặc biệt dữ dội hơn nhiều. Ví dụ như trong một khu bảo tồn quốc gia dành riêng cho loài saola và các loài động vật hiếm khác, 23 000 bẫy dây điện thô sơ nhưng gây sát thương cao đã được tìm thấy vào năm 2015. Hơn chục ngàn trong số những loại bẫy này được đặt mới lại mỗi năm, nhanh như cách chúng bị tịch thu. Mặc dù đã có những cuộc khảo sát chuyên sâu, nhưng không một con saola nào được nhìn thấy một cách có kiểm chứng kể từ khi bức ảnh cuối cùng được chụp về nó cách đây sáu năm. Con tê giác cuối cùng bị những kẻ săn trộm bắn chết ở Vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Những con hổ đã bị săn đuổi một cách triệt để. Những nhóm gấu và voi ít ỏi quanh quất trong nguy hiểm rình rập. Gần như tất cả các loài linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Các cuộc tàn sát động vật này cung cấp nguồn cho Đông y ở Việt Nam và láng giềngTrung Quốc. Một danh mục dài các phương thuốc Đông y có thể kể đến bao gồm: dương vật hổ cho bệnh vô sinh, mật gấu trị ung thư, sừng tê giác để giải rượu, mật cu li để giảm nhiễm trùng hô hấp cấp tính phát sinh từ ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Barney Long, giám đốc thuộc tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, cho biết, các cuộc khảo sát đã phát hiện, “rất nhiều cuộc tàn sát là để cung cấp thịt động vật hoang dã cho nhu cầu của các nhà hàng ở đô thị, điều này đã trở thành một mối nguy hại cực lớn.”

“Đây không phải là thịt mà những người nghèo đang kiếm để ăn”, ông nói. “Nó là một biểu tượng thể hiện quyền lực (status symbol) trong việc khoản đãi đối tác kinh doanh hoặc quan chức chính phủ một bữa ăn động vật hoang dã. Và thành thật mà nói, tư duy này ở trên một quy mô thật khó tin. Chúng tôi nói đến không chỉ ở một hay hai loài, mà là cả một cộng đồng quần thể động vật hoang dã đang biến mất.”

Sau khi tìm hiểu thêm, vợ chồng tôi quyết định thực địa bằng mọi cách, sắp xếp bay ra Hà Nội và nhanh chóng di chuyển tới những cánh rừng Việt Nam hẻo lánh. Sau đó chúng tôi đi vào phía nam tới Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ, để tới những công viên và khu vực tự nhiên ở đó.

Trong suốt chuyến đi kéo dài hai tuần, chúng tôi tìm thấy một số loài động vật hoang dã quý hiếm vẫn còn mặc dù đang trong hoàn cảnh bị đe doạ. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì được chứng kiến cuộc đấu tranh của người Việt bản địa cùng các nhóm đồng minh bảo tồn quốc tế của họ, để ngăn chặn số lượng động vật bị tuyệt chủng.

Cúc Phương, Vườn Quốc Gia đầu tiên của Việt Nam, cách một vài giờ về phía nam của Hà Nội. Vườn được Hồ Chí Minh đặt tên vào năm 1962, với  nhận định rằng: “sự huỷ hoại rừng hiện tại của chúng ta sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về khí hậu, sinh dưỡng và cuộc sống. Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết bảo vệ, rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.”

Nhưng bất chấp “lời quảng cáo lăng xê ” Vườn của Chính phủ mà chúng tôi nhận được, không còn nhiều voọc mông trắng (Delacour’s langur) trong những khu rừng này, hay bất kì loại nào khác. Không có gấu, báo, hay mèo rừng, trừ khi chúng trốn kỹ tới mức ngay cả những nhà khoa học cũng không thể tìm thấy chúng, Adam Davies, giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, nói với tôi.

Thay vào đó, những động vật quý hiếm và phong phú nhất có thể được tìm thấy tại các trung tâm cứu hộ động vật bao dọc con đường hẹp yên tĩnh quanh Vườn, giống với kiểu bảo tồn động vật dọc đường cao tốc. Tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng, người thăm có thể nhìn thấy bốn loài voọc (langur) gần như tuyệt chủng (còn gọi là khỉ ăn lá), vượn (gibbon) và culi (lorise), nhiều trong số đó đã được giải cứu khỏi những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Chúng được hồi phục sức khỏe, được nhân giống khi có thể, và trong những hoàn cảnh đặc biệt may mắn, được đưa trở lại tự nhiên. Những kẻ săn trộm làm cho phần còn lại của Vườn quốc gia này trở nên quá nguy hiểm để chúng tôi mạo hiểm đưa hầu hết các loài động vật về tự nhiên, Davies nói.

Cách một vài bước là hai trung tâm cứu hộ khác. Một trung tâm bảo vệ hàng chục loài rùa, với nhiều vẻ đẹp nổi bật, tuy nhiên tất cả chúng đều có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm còn lại dành cho mèo báo (leopard cat),  cầy hương (civet) và gấu mèo (binturong hay bearcat, được so sánh giống cây lau bụi có mùi bắp rang mới), và tê tê (pangolin), một loài động vật thuộc bộ thú có mai (armadillo-like), với thịt và vảy có thể có giá khoảng 24 triệu VND/kg trong các thực đơn hoặc nhà thuốc cổ truyền ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. “Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, đây là điều mà chúng ta không hề mong muốn.”, Davies nói.

Trung tâm của anh đưa một số loài voọc mông trắng trong giai đoạn cực kỳ nguy cấp đến vùng hoang dã trong Khu bảo tồn thiên nhiên đầm lầy Vân Long (cách Vườn Quốc Gia Cúc Phương 90 phút đi xe) . Ở đó, chúng tôi lên một chiếc thuyền nhỏ tại một bến đỗ, được hướng dẫn bởi một trong những nhóm hướng dẫn viên địa phương, kéo dài nửa ngày trong một hẻm núi được bảo vệ.

Chúng tôi tách đoàn, men dọc theo một tuyến đường không có ai khác trong đoàn thuyền đã đi. Những con voọc, hiện đang sinh sản thành công ở đâu đó ngoài kia, vẫn ẩn nấp. Tất nhiên, đó là thực chất của nhiệm vụ tìm kiếm: tận hưởng những nơi dừng chân đẹp đẽ trong khi tìm những loài vật bị săn bắn đang trốn tránh bạn. Có lẽ tất cả những chiếc thuyền nhỏ khác đã đi theo một hướng tốt hơn?

Sau đó quay trở lại, chúng tôi nghe thấy một tiếng la lớn của một người nông dân trong bụi rậm. Anh ấy đang hào hứng chỉ vào một số cây đang lắc lư ở bờ đối diện. Một nhóm gồm 10 con voọc cuối cùng cũng lộ diện – loài này thân màu đen có chóp mặt ria và hông màu trắng – và chúng tôi đã dành hầu hết thời gian để xem chúng chải chuốt, rượt đuổi và đắm mình dưới ánh mặt trời cận nhiệt đới dữ dội. Với may mắn, chúng sẽ tiếp tục được bảo vệ ở đây và không trở thành thức ăn hoặc thú cưng.

Để xem gấu, chúng tôi lái xe đến Vườn Quốc Gia Tam Đảo, nằm cao trên một sườn núi dài phía bắc Hà Nội. Một thị trấn nghỉ dưỡng ngay bên trong Vườn đang được xây dựng với cần cẩu và máy xúc hạng nặng – một phần của thảm họa xây dựng quốc gia.

Trong thung lũng bên dưới là khu bảo tồn gấu do tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) vận hành và đôi khi mở cửa cho du khách. Chúng tôi đã xem hai loài – gấu mặt trăng (moon bear) và gấu mặt trời bé (smaller sun bear) – nô đùa, bơi và leo trèo trong một môi trường giải trí được xây dựng đặc biệt. Cả hai đều trông giống như những phiên bản punk-rock có lông hoang dã của gấu đen Bắc Mỹ và có cổ áo chevron trắng sống động. Chúng đã đến đây từ các trang trại mật gấu trong sự giam cầm tàn khốc, nơi mật của chúng liên tục được chiết xuất cho đến khi hết.

Việc khai thác mật gấu này là bất hợp pháp, nhưng những kẽ hở luật pháp khiến chúng khó bị ngăn chặn. Tuan Bendixsen, giám đốc trung tâm cho biết. “Khai thác mật gấu vẫn đang diễn ra”, anh nói. “Bạn vẫn có thể mua nó ở Hà Nội nếu muốn.”

Nhiều chú gấu mà anh ấy nhận được “bị mất chân tay, hoặc bị tổn thương theo những cách khác”, anh ấy nói, làm cho cơ hội của chúng trở lại với tự nhiên là ngày càng thấp. Và vùng đất hoang dã thích hợp cho sự trở lại như vậy ngày càng hiếm, khi dân số loài người và nền kinh tế quốc gia tăng trưởng.

Tham nhũng làm ảnh hưởng đến chính phủ độc đảng của Việt Nam và với nền kinh tế đang phát triển, là những yếu tố chính trong sự biến mất của môi trường sống tự nhiên và các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhóm bảo tồn mà chúng tôi đã nói chuyện coi tham nhũng như là một lý do chính làm yếu các biện pháp bảo vệ và suy giảm thực thi pháp luật.

Andrew Tilker, một nhà nghiên cứu thực địa người Mỹ chuyên tìm kiếm saola và các loài quý hiếm khác cho biết, “Vấn đề với tham nhũng xảy ra trong tất cả các lĩnh vực của xã hội Việt Nam, và trong việc bảo vệ rừng cũng là không ngoại lệ.”

Một số quan chức can đảm đẩy lùi tham nhũng, và cả các nhóm bảo tồn trong nước và quốc tế đều có thể viện dẫn thành công. Nhưng quan điểm đồng thuận để có triển vọng lớn hơn trong bảo tồn các loài hoang dã của Việt Nam đang xấu đi nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam đã có thứ hạng tham nhũng từ nhóm Minh bạch quốc tế (Transparency International) được coi là “u ám”.

Chúng tôi đã chứng kiến cuộc đụng độ của những khát vọng trong thời gian ở gần Ninh Bình, cách một vài giờ về phía nam của Hà Nội. Ở đó, chúng tôi đã tìm thấy chỗ ở đáng yêu nhất trong chuyến đi của chúng tôi – tại một nơi được gọi là Vườn Tam Cốc. Nó có một vài ngôi nhà gỗ nằm ẩn mình trong một khung cảnh tươi tốt, được bao quanh bởi những khối đá vôi khổng lồ và cao nguyên chỉ trong các bức tranh màu nước mà chúng tôi từng thấy. Chúng tôi đã chọn nơi này vì nó cách Công viên chim Thung Nham nửa giờ đi xe đạp.

Chúng tôi đạp xe vào Vườn vào một buổi chiều muộn và tự hỏi liệu chúng tôi đã lạc đường bằng cách nào đó. Mặc dù được chào mời như một điểm đến “sinh thái”, Vườn đã được tiếp quản bởi một tập đoàn du lịch với những kế hoạch lớn. Chúng tôi đi qua những bãi cỏ rộng và những hồ nước rộng rìa rừng, tất cả đều được cắt tỉa cẩn thận và hoàn toàn không có sự sống của chim. Trên bờ gần, búa khoan, cưa xích và xe tải nghiền nát không khí trong sự mở rộng đầy tham vọng của một khu nghỉ mát ven hồ – nơi không được tính toán kỹ để duy trì môi trường sống của chim.

Cuối cùng, chúng tôi đặt một chiếc thuyền và tìm thấy một người phụ nữ với chiếc nón lá truyền thống và một mái chèo lớn. Với một khoản phí nhỏ, cô chèo chúng tôi và ba hành khách khác ra hồ nước trông cằn cỗi và hướng tới một bức tường tre. Xếp ống nhòm. Không thấy, hoặc nghe bất kì chú chim nào. Có lẽ đó chỉ là do thời tiết.

Mười phút sau, chúng tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh nghe giống như một cuộc trò chuyện kích động giữa các thành viên của nhóm sách lớn nhất thế giới, ở một nơi nào đó ngoài tầm nhìn. Sau đó, chiếc thuyền của chúng tôi lướt vào một vùng tổ với hàng trăm con diệc và cò, mỗi con to như một đứa trẻ 2 tuổi, đậu, rỉa lông hoặc lấp đầy bầu trời ở một khoảng thời gian nào đó. Đó là một niềm vui, nhưng tương lai của chúng có thể phụ thuộc vào dự án xây dựng kia, và những hồ nước trang nghiêm, trông có vẻ cằn cỗi bên cạnh có phải là dấu hiệu của cái cách mà nơi này sẽ được quản lý.

Tất nhiên, Việt Nam không đơn độc khi thất bại trong việc bảo vệ các loài hoang dã của mình. Tại Hoa Kỳ, nhiều động vật được “bảo vệ” của chúng tôi đang bị đẩy ra gần bờ vực tuyệt chủng. Các sáng kiến từ chính quyền Trump đã đẩy lùi sự chỉ định của một số di tích quốc gia và làm suy yếu Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. (Endangered Species Act)

Hy vọng gìn giữ di sản thiên nhiên của Việt Nam, theo chúng tôi biết, chỉ là một số các nhóm cư dân sáng tạo, một số tổ chức can đảm như Giáo dục cho thiên nhiên-Việt Nam. Họ thúc đẩy nghiên cứu, điều tra tội phạm, đấu tranh chính trị và đòi thực thi pháp lý.Tuy nhiên những hành động này mang lại rủi ro cao cho họ.

Một nguồn hy vọng khác cho Việt Nam nằm ở việc thu hút cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng các ưu đãi kinh tế. Ví dụ, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (The World Wildlife Fund) tài trợ cho việc trồng mây (rattan) và cây keo (acacia) bền vững làm vùng đệm cho các khu bảo tồn thiên nhiên dọc biên giới phía tây với Lào. Ở những nơi khác, các nhóm môi trường trả cho người dân địa phương một mức lương đủ sống để tuần tra rừng và thu thập hàng ngàn bẫy thú.

Du lịch, phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, cũng có thể duy trì các khu vực hoang dã, mặc dù chỉ khi nó được quản lý cẩn thận. Lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 15,5 triệu trong năm 2018 – một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc 64% so với con số năm 2016, là lời giải thích về khu rừng cần cẩu xây dựng mà chúng tôi đã thấy ở bờ biển phía xa của Vịnh Hạ Long, cũng giống như các số lượng tăng vọt các khách sạn cao tầng tràn vào môi trường Vườn Quốc gia Cát Bà. Rút cuộc, tình hình đó đã lý giải  cho sự phân mảnh môi trường sống và gần tuyệt chủng của voọc chà vá Cát Bà và các loài khác từng sinh sống nơi đây. Giờ chỉ còn 60 loài động vật  sống trong các quần thể bị cô lập với các lựa chọn thức ăn và sinh dưỡng gần như không có trong khi những năm 1960 có khoảng 3 000 loài.

Chúng tôi đi về phía nam thành phố Hồ Chí Minh và từ đó tôi đi một mình, đi mất khoảng ba đến bốn giờ về phía bắc để dành hai ngày tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Vào một buổi chiều náo nhiệt, một nhân viên kiểm lâm trẻ tuổi làm việc tại Vườn trông khá đứng đắn dẫn tôi “dạo chơi cuộc sống hoang dã” mất khoảng hai giờ. Lần này chúng tôi thực sự đã ở trong một khu rừng lặng im.

Điều duy nhất chúng tôi gặp là các phi đội đỉa (dry-ground leech) sống trên đất khô. Chúng đánh hơi được chúng tôi rất nhanh: những đóm máu bắt đầu xuất hiện trên tất khi tôi cúi xuống để nhặt tất cả chúng khỏi mắt cá chân. (viên kiểm lâm đi giày cao.)

Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên, nằm trên một hòn đảo cách đó vài phút xuôi dòng, có thể cho du khách thấy một số loài, bao gồm cả những chú vượn hồ hởi được chăm sóc dưới những tán cây cao lớn. Đôi khi chúng mở ra một buổi hòa nhạc bất ngờ nghe điếc tai. Âm vang như một bản giao hưởng của những tiếng huýt sáo thoáng qua, còi báo động và đàn điện tử với âm thanh to nhất thế giới. Tiếng hát chào khách của loài vượn đã phản bội chúng, cho biết vị trí của chúng với những kẻ đi săn ẩn nấp trong công viên quốc gia phía bên kia sông. Đôi lúc chúng bị bắn rớt khỏi cành cây, rồi bị bán thịt ở thành phố.

Viên kiểm lâm và những người khác mà tôi gặp ở Cát Tiên đã khẳng định rằng quần thể động vật tại đây đang dần suy giảm. Một số viên kiểm lâm đã bị bắt gặp đang thông đồng với các thợ săn để giết những con vật có giá trị cao (mặc dù có thể bị xử lý nghiêm khắc). Việc này giúp họ kiếm thêm khoảng 4.4 triệu VND mỗi tháng so với từ lúc bắt đầu sự nghiệp của họ. Biến nó từ một lựa chọn nghề nghiệp ít sinh lợi thành việc bảo kê săn trộm đem lại lợi nhuận.

Tôi ở lại rìa của Vườn trong túp lều rừng Cát Tiên được dựng khá tốt. Chủ sở hữu của nó, Dương Thị Ngọc Phương và Gary Leong, làm việc để giúp bảo vệ Cát Tiên khỏi du lịch đại chúng và xây dựng mối quan hệ kinh tế với các cộng đồng địa phương nghèo khó để can ngăn họ khỏi nạn săn trộm. “Không có động vật, có rất ít lý do cho sự tồn tại của Vườn”, ông Leong nói. “Chúng tôi phải cung cấp cho mọi người một phần lợi ích trong việc bảo vệ các loài động vật”.

Điều đó có nghĩa, ít nhất là một phần, tạo ra các khuyến khích kinh tế cho người dân địa phương để bảo tồn các loài bản địa trong môi trường sống tự nhiên của họ. Và nó cần phải bắt đầu sớm, những nhà bảo tồn động vật hoang dã nói.

“Mỗi ngày chúng tôi đều thức dậy và tự vấn, ‘liệu chúng ta có thời gian không? Liệu bất kì một loài nào trong số những loài này còn thời gian? Có phải chúng ta vừa mới đấu tranh với một cuộc chiến mà chúng ta đã thua?'”, ông Quyền Vũ, giám đốc điều hành của Tổ chức Giáo dục Tự nhiên Việt Nam nói. “Nhưng nếu chúng ta không chiến đấu, thì chắc chắn chúng ta sẽ thua cuộc.”



[1] Stephen Nash là tác giả của “Bán Grand Canyon – Đất công cộng với lợi ích cá nhân trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.”

[2] The Dream là một bức tranh sơn dầu lớn trên vải được tạo ra bởi Henri Rousseau vào năm 1910, một trong hơn 25 bức tranh Rousseau với chủ đề rừng rậm. Tác phẩm hoàn thành cuối cùng của ông, lần đầu tiên được trưng bày tại Salon des Indépendants từ 18 tháng 3 đến 1 tháng 5 năm 1910, một vài tháng trước khi ông qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 1910.