....
Để bán được hàng, các công ty đang ra sức thuyết phục khách hàng của họ bằng nhiều cách. Bên cạnh những chào mời hấp dẫn về giá cả, phí ưu đãi, huê hồng hay chiết khấu, hình thức thanh toán khi mua sản phẩm và các chiến dịch quảng cáo sản phẩm-quảng báo thương hiệu rầm rộ, chúng ta còn thấy một bộ ba của cách thức tăng tạo niềm tin bền vững cho khách hàng trong chiến lược kinh doanh của các công ty ngày nay.
Đó là:
-
Liên tục trình làng những công nghệ thân thiện mới mẻ mang sức lan toả mạnh
- Giới thiệu đội ngũ chuyên nghiệp, lành nghề, gắn bó, có trách nhiệm và đầy sức sáng tạo.
- Cho thấy chất lượng được cam kết ngay từ mỗi đoạn trong chuyền sản xuất-cung ứng.
Trong thời kỳ Đại suy thoái mang tính ảnh hưởng toàn cầu, mà đặc biệt khi niềm tin –tín dụng của công ty đối với khách hàng đang rơi vào khửng hoảng, thì bộ ba cách thức này có tác dụng đáng kể trong việc củng cố- nâng cao sức cạnh tranh. Các vấn đề bong bóng đầu tư bất động sản, sản phẩm từ bốc lột chất xám hay từ tận thu tàn phá nguồn tài nguyên môi trường ngày càng trở nên nhạy cảm với người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Khi bắt gặp các tín hiệu tương tự trên sản phẩm, danh mục đầu tư, họ nghi hoặc, băn khoăn, kéo dài thời gian ra quyết định cho món hàng sẽ mua hay sẽ đầu tư vào. Và thời gian là vàng bạc, càng kéo dài, càng không có lợi cho cả đôi bên.
Nếu như trước đây, với nhiều công ty sản xuất hàng hoá tiêu dùng, việc cho người ngoài biết công nghệ của họ là một điều không được phép, thì ngày nay, điều nay lại là một công cụ quảng bá thương hiệu và uy tín của họ. Tất nhiên, việc lựa chọn điểu để công bố luôn phải có sự cân nhắc và xem xét thấu đáo của các ban bệ liên quan trong công ty. Điều cốt lõi mà người tiêu dùng, nhà bán sỉ -lẻ, các đại lý phân phối muốn thấy là họ có sản phẩm đi từ công nghệ luôn mới, ngày càng thân thiện hơn với môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Có thể nhiều người thắc mắc rằng liệu các công ty cỡ nhỏ hay cở vừa có thể đủ sức đáp ứng với sự chạy đua cạnh tranh về chinh phục đỉnh cao công nghệ với các công ty tầm cỡ lớn? Thật ra, điều này không phải là việc chạy đua về công nghệ cao. Đây là một công việc trình làng một cách tinh tế về sự cải tiến công nghệ và phát triển các công nghệ phục vụ cho chính công ty họ trong bối cảnh phù hợp. Ví dụ, một công ty sản xuất gạch men ở Việt Nam, liên tục có những giới thiệu về áp dụng quy trình cải tiến cho sản phẩm của họ cho mọi người thấy việc công ty đang có động thái tích cực trong việc giảm dần và bỏ hẳn sử dụng than củi gây ô nhiễm môi trường cũng như sử dụng nguồn đất sét và chất liệu men được xử lý ngày càng đa dạng, an toàn hơn nhưng chứng tỏ hiệu quả chi phí xác thực. Vậy, tại sao không đầu tư hoặc mua sản phẩm này? Cái này nếu đem ra so với các công ty cỡ lớn mà những nơi đó đang dùng công nghệ robot phun men, chuyền tự động nung xương thì chả thấm gì. Nhưng xét tới hiệu quả môi trường sinh thái trong khu vực thì người tiêu dùng trong khu vực và nhà đầu tư lân cận cảm thấy an tâm hơn về sản phẩm họ đã-đang-và sẽ dùng hay đầu tư tới.
Tất nhiên, nhiêu thế thôi vẫn chưa đủ 100% sức thuyết phục và củng cố niềm tin khách hàng cũng như nhà đầu tư. Theo tâm lý, người ta thường tin nhiều vào người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm. Điều họ nói hay tiết lộ cho bên ngoài thường phản ảnh trung thực về trách nhiệm đến sản phẩm của công ty. Sự phản ảnh này được xét đến nhiều khía cạnh chứ không phải chỉ trực tiếp ở cái cách người ta xử lý –gia công –chế biến sản phẩm. Ví dụ, việc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ cao cấp bất ngờ mời các nhà bán hàng sỉ, các đại diện thương mại đến tham quan các công đoạn sản xuất và cho phép họ hỏi thăm các công nhân cũng như chứng kiến trực tiếp thao tác điêu luyện của các thợ cả khi chạm trổ trên bán thành phẩm. Một sự kiện mà trước đây, trong quan niệm về chống cạnh tranh, là điều không thể diễn ra.Việc công nhân đưa lên YouTube, Faceboook, ZingMe hình ảnh về các hoạt động sinh hoạt ở nơi làm việc của họ được một số công ty cỡ nhỏ và vừa cho phép nhiều hơn là ngăn cấm. Với các công ty này, lập luận rằng hình ảnh một đội ngũ lao động tích cực, vui vẻ tại nơi làm việc là một hình ảnh tốt cho người ngoài. Khi người lao động có tinh thần –trạng thái tốt thì họ sẽ chăm sóc sản phẩm cho công ty tốt hơn. Những hình ảnh đó là tín hiệu cho người sử dụng sản phẩm của họ tin rằng sản phẩm họ dùng được làm ra từ trong môi trường lao động không có những biểu hiện tiêu cực. Bên cạnh đó, những hình ảnh tích cực này cũng giúp người ngoài thấy được sự tiến bộ của đội ngũ lao động trong việc hàn gắn, sửa chữa những khuyết điểm trước đây khi họ đã có những hình ảnh không hay trên YouTube hay Facebook. Một ví dụ khác, một công ty chuyên sản xuất bao bì mở diễn đàn để nhân viên và người tiêu dùng có thể trao đổi các ý kiến xung quanh sản phẩm bao bì.Nói cách khách, mạng xã hội cũng là một kênh thông tin-giao tiếp giữa công ty và người lao động với xã hội. Nó được tận dụng ngày càng hiệu quả hơn khi các phương tiện giao tiếp khác có những hạn chế tiếp cận hiệu quả, thiếu khách quan.